CHUẨN BỊ KHỞI CÔNG ĐƯỜNG VÀNH ĐAI 4.000 TỈ ĐỒNG TẠI CẦN THƠ

Dự án Đường vành đai phía Tây vốn đầu tư 4.000 tỉ đồng là công trình quan trọng bậc nhất của Cần Thơ, có ý nghĩa quyết định đến không gian phát triển mới thành phố và thu hút đầu tư.

Đây là thông tin đưa ra trong buổi làm việc của Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh và lãnh đạo UBND TP.Cần Thơ, các sở, ngành về tiến độ triển khai dự án Đường vành đai phía Tây vừa diễn ra tại Cần Thơ.
Dự án có tổng chiều dài toàn tuyến 19,3 km, đi qua địa bàn 5 quận, huyện: Ô Môn, Bình Thủy, Ninh Kiều, Cái Răng, Phong Điền, nối QL91 với QL61C, được UBND thành phố phê duyệt tháng 11.2021. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 4.000 tỉ đồng.
 
“Đây là công trình quan trọng bậc nhất của thành phố trong nhiệm kỳ này. Dự án sẽ quyết định đến không gian phát triển mới của Cần Thơ, cũng như thu hút đầu tư và các vấn đề liên quan đến tăng trưởng, phát triển của Cần Thơ trong nhiệm kỳ 2021 - 2026”, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh nói.
Lãnh đạo Thành ủy Cần Thơ cũng yêu cầu các địa phương có dự án đi qua sau cuộc họp cần lập kế hoạch của mình, đến hết tháng 4.2022 phải trình cho Hội đồng thẩm định giá thành phố liên quan đến giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các trường hợp bị ảnh hưởng bởi dự án. Đối với Sở GTVT, đơn vị được giao làm chủ đầu tư dự án, Bí thư Thành ủy Cần Thơ đề nghị cần triển khai đồng loạt các gói thầu xây lắp của dự án, dồn tất cả nguồn lực vào thực hiện.

Theo Sở GTVT TP.Cần Thơ, dự kiến cuối tháng 6, đầu tháng 7.2022, dự án Đường vành đai phía Tây sẽ được khởi công. Điểm đầu của đường Vành đai phía Tây thành phố Cần Thơ giao Quốc lộ 91 (Km20+370, gần cầu Ô Môn) và giao đường tỉnh 922, điểm cuối giao Quốc lộ 61C (Km1+400). Mặt cắt ngang đầu tư 2 đơn nguyên, mỗi bên 16,5m; trong đó phần mặt đường 11m, vận tốc thiết kế từ 50 - 60 km/giờ. Toàn tuyến có 25 cây cầu; trong đó, lớn nhất là cầu Ba Láng vượt sông Cần Thơ dài gần 518m; 14 cống mỗi bên cùng 9 nút giao và 9 điểm quay đầu xe.

Trong phạm vi của dự án có khoảng 598 hộ dân đủ điều kiện tái định cư, chiếm khoảng 2,8% trong tổng thể diện tích cần giải phóng mặt bằng, phần diện tích còn lại chủ yếu là đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp. Do đó không ảnh hưởng nhiều đến tiến độ dự án. Theo UBND thành phố Cần Thơ, tuyến đường này khi hoàn thành sẽ giúp hình thành trục vành đai ngoài phía Tây đặc biệt quan trọng của TP.Cần Thơ, kết nối các trục giao thông quan trọng của vùng ĐBSCL là QL91 và QL61C, kết hợp với QL1 tạo nên hệ thống giao thông liên vùng, kết nối Cần Thơ với các tỉnh lân cận.
Nguồn: thanhnien.vn